Theo đó, thỏa thuận phối hợp phòng, chống ma túy trong trường học giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Viện PSD nhằm tăng cường sự chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho Viện PSD tiếp cận triển khai thực hiện chương trình với Sở Giáo dục và Đào tạo 63 tỉnh, thành phố để bảo đảm tiến độ và mục tiêu của chương trình. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm và năng lực của Viện PSD trong việc hoàn thành các nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.
Viện PSD là đơn vị nhiều năm nghiên cứu các phương pháp, mô hình phòng ngừa có thực chứng thành công từ thực tiễn Việt Nam và quốc tế, ứng dụng vào phòng ngừa sử dụng trái phép chất ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh. Các phương pháp của Viện mang tính đổi mới toàn diện.
Thay vì các hoạt động tuyên truyền, phản ánh một chiều ít tác dụng phòng ngừa như trước đây, Viện đi sâu vào các giải pháp về giáo dục, hướng dẫn các kỹ năng phòng ngừa ma túy, xử lý, hóa giải các yếu tố dễ bị tổn thương, các tình huống nguy cơ cao liên quan đến sử dụng ma túy thanh thiếu niên gặp phải. Đây là điều cốt lõi của công tác phòng ngừa, nhưng giới trẻ còn ít được tiếp cận.
Chương trình phòng ngừa đổi mới bao gồm nhiều nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực: truyền thông, tâm lý, giáo dục, xã hội, văn hóa, kinh tế… Ngoài ra kỹ năng, kiến thức phòng ngừa ma túy không chỉ giáo dục trực tiếp cho học sinh, mà còn hướng đến người thân, ảnh hưởng nhiều nhất đến các em, đó là thầy cô giáo, cha mẹ, phụ huynh học sinh.
Một bộ tài liệu (gồm 4 cuốn) về kỹ năng phòng, chống ma túy trong trường học được Viện PSD biên soạn công phu dành riêng cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục và cha mẹ học sinh từ năm 2021 triển khai ở các tỉnh, thành phố.
Nhiệm vụ trọng tâm phối hợp năm 2022 của Viện PSD là tiếp tục thực các nội dung: khảo sát, đánh giá thực trạng phòng, chống ma túy trong trường học tại các tỉnh, thành phố để tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện các hoạt động phù hợp với yêu cầu thực tiễn; tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm cho học sinh, giáo viên, cán bộ Đoàn, Đội trong nhà trường và phụ huynh.
Mặt khác, xã hội hóa, huy động nguồn lực cho công tác công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng; triển khai bộ tài liệu về phòng, chống ma túy trong trường học; biên soạn tài liệu kỹ năng phòng, chống ma túy cho sinh viên và học sinh tiểu học; phối hợp xây dựng chương trình trải nghiệm về phòng, chống ma túy cho học sinh các cấp học…
Đổi mới công tác phòng ngừa sử dụng trái phép chất ma túy là công việc sẽ gặp khó khăn, mất nhiều công sức nhưng là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Từ thống nhất nhận thức đến thống nhất hành động, đầu tư nguồn lực tương xứng với nhiệm vụ tạo ra xung lực, diện mạo mới về chiến lược phòng ngừa, mang lại hiệu quả thiết thực “Bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy” là việc cần làm.