Bộ tài liệu Phòng chống ma túy

Theo thống kê của Bộ Công an – Cơ quan thường trực về phòng chống ma túy của Ủy ban Quốc gia, tính đến cuối năm 2020, nước ta có 235.012 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, số người nghiện và nghi nghiện ở nước ta còn cao hơn.

Đáng báo động là ma túy đang tấn công ngày càng mạnh vào môi trường học đường, hướng đến đối tượng học sinh (đặc biệt là học sinh THCS và THPT) dưới nhiều hình thức phức tạp. Nhiều học sinh bị dụ dỗ, lôi kéo trở thành nạn nhân sử dụng hoặc tham gia tàng trữ, mua bán ma túy, tiềm ẩn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng trong đời sống xã hội.

Thực trạng này làm dấy lên mối lo ngại trong cộng đồng, đặc biệt là các bậc phụ huynh – những người mà con em của họ có thể “sa chân” vào tệ nạn ma túy, trở thành tội phạm ma túy bất kể lúc nào nếu lơ là cảnh giác. Trong đó, nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng vì chính mình và các con còn thiếu những kiến thức, kỹ năng cơ bản về ma túy.

Kết quả cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) với hơn 5.000 cha mẹ học sinh cho thấy, không ít các bậc cha mẹ chưa nhận thức đúng và đầy đủ về ma túy cũng như các kỹ năng để phát hiện và ngăn ngừa con em  mình sử dụng/ nghiện ma túy. Cụ thể, có rất nhiều cha mẹ không biết đến các loại ma túy trá hình nguy hiểm trong các thực phẩm đồ ăn, nước uống đã và đang xâm nhập, tấn công vào học sinh, sinh viên.

Chị Hoàng Anh (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi chỉ biết ma túy là chất gây nghiện, gây hậu quả nghiêm trọng cho cả người sử dụng ma túy lẫn gia đình của họ. Còn bây giờ để mà phân biệt các loại ma túy hay nói sâu hơn về tác hại của nó thì tôi chịu thôi. Muốn tìm thông tin gì về ma túy thì toàn lên internet để xem”.

Về phía học sinh, trong một khảo sát khác có tên “Nghiên cứu Thực trạng nhận thức của học sinh – sinh viên về ma túy” năm 2014 chỉ ra, có đến 43.9% số học sinh tham gia cho rằng bản thân không biết gì về dấu hiệu nhận biết người nghiện ma túy, gần 40% khẳng định mình chưa biết đến những kỹ năng cần thiết để phòng, tránh ma túy.

Tiến hành khảo sát về nhu cầu triển khai, tổ chức các khóa đào tạo về kiến thức, tác hại của ma túy cũng như các kỹ năng phòng, chống ma túy, có đến 97,8% các bậc cha mẹ cho biết, họ rất mong muốn có những chương trình giảng dạy, đào tạo cho học sinh về phòng, chống ma túy; cũng có rất nhiều các bậc phụ huynh mong muốn con được tham gia đào tạo về “Kỹ năng ứng phó với tình huống nguy cơ dẫn đến hành vi sử dụng ma túy” (84.0% ) và “ Kỹ năng nhận biết được sự nguy hiểm của ma túy” (80,2%)

Anh Tùng (quận Nam Từ Liêm) cho hay: “Con tôi năm nay học lớp 11, cháu khá nghịch và có tính tò mò, thích cái mới lạ. Tôi rất lo lắng, sợ con sa ngã vào các tệ nạn xã hội khi mà gia đình lơ là cảnh giác. Đặc biệt là khi hiện nay tệ nạn ma túy đang xâm nhập học đường, theo dõi trên các phương tiện truyền thông thấy phức tạp quá. Mặc dù gia đình đã cố gắng cung cấp cho cháu những kiến thức, kỹ năng cần thiết nhưng tôi cảm thấy như vậy vẫn chưa đủ vì hầu hết thông tin đều được lấy trên internet chả biết có chính xác với đầy đủ không. Do đó, tôi nghĩ các con cần có các tài liệu và chương trình giáo dục cụ thể hơn về những kiến thức, kỹ năng phòng chống ma túy trong nhà trường, có thể đó sẽ là công cụ hữu ích nhất đối với các con, giúp các con tự bảo vệ mình khi không có người lớn bên cạnh”.

Nắm bắt được tâm lý của các phụ huynh, cộng với nhận thức rõ tình trạng ma túy học đường đáng báo động  như hiện nay, Viện PSD đã nghiên cứu, xây dựng bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” nhằm nâng cao năng lực phòng chống ma túy của thế hệ trẻ và cộng đồng, trong đó có các em học sinh và cha mẹ.

Bộ tài liệu gồm có 4 cuốn giúp cung cấp cho người đọc những kiến thức cơ bản và nâng cao về ma túy, cách thức nhận biết các loại ma túy, dấu hiệu nhận biết người sử dụng ma túy; đồng thời trang bị kỹ năng ứng phó với những tình huống nguy cơ liên quan đến hành vi sử dụng ma túy cho học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên và các bộ quản lý.

Có thể nói, Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” ra đời giống như một liều “vaccine”giúp các bậc phụ huynh yên tâm hơn, có niềm tin hơn về hiệu quả của công tác giáo dục phòng chống ma túy trong nhà trường nói riêng và trong cộng đồng nói chung.